Nếu bạn đang bị mắc kẹt ở vùng xa xôi hoang dã, biết cách tạo kiểu cho một chiếc cung tên để tự vệ hoặc săn bắt có thể giúp bạn sống sót. Bài viết này sẽ giới thiệu về các loại cung tên cũng như cách đơn giản và nhanh nhất để làm ra một chiếc cung tên từ các vật liệu tự nhiên như cây gỗ, tre và dây rừng.
Cung tên là gì?
Cung tên là loại vũ khí tầm xa đơn giản và hiệu quả nhất từ thời xa xưa cho đến tận ngày nay của con người. Đây cũng là vũ khí quan trọng nhất của các thợ săn trong hàng nghìn năm cho đến khi xuất hiện súng. Nếu bạn bị lạc nơi hoang dã và cần một thứ vụ khí để sinh tồn trong thời gian dài thì chế tạo một chiếc cung tên truyền thống nên là cân nhắc đầu tiên.
Cấu tạo của cung tên
Cấu tạo của cung tên đơn giản sẽ gồm 3 phần chính:
- Thân cung: Thường làm bằng gỗ uốn cong và có độ đàn hồi cao
- Dây cung: Là một sợi dây có độ bền cao nối hai đầu chi của thân cung
- Mũi tên: Là thiết bị phóng độc lập có trục dài, một đầu nhọn còn một đầu có các vây ổn định (fletching) cùng khía hẹp (nock) ở cuối để tiếp xúc với dây cung. Thông thường sẽ có nhiều hơn một mũi tên và có một hộp đựng các mũi tên này.
Nguyên lý hoạt động
Để bắn, người bắn cung cần nạp một mũi tên (gắn mũi tên) bằng cách đặt mũi tên ngang qua giữa thân cung với dây cung đã được gắn vào chốt đuôi của mũi tên. Như vậy, một tay người bắn cầm chặt thân cung giơ về phía trước trong khi tay kia kéo dây cung cùng mũi tên về phía sau. Điều này làm uốn cong hai chi của cánh cung về phía sau, để tích trữ năng lượng đàn hồi.
Khi người bắn cung thả tay kéo dây cung ra, lực kéo được giải phóng cho phép năng lượng dự trữ từ cánh cung chuyển thành động năng truyền qua dây cung tới mũi tên, đẩy nó bay về phía trước với vận tốc cao.
Người bắn cung nhắm bắn bằng trực giác hoặc bằng cách nhìn dọc theo mũi tên để dự đoán hướng đi. Kinh nghiệm thao tác nhiều lần sẽ giúp cung thủ bắn nhanh hơn và chính xác hơn.
Các loại cung tên nổi tiếng trong lịch sử
- Cung ngắn: xuất hiện từ thời cổ đại, tầm bắn cung ngắn chỉ đạt khoảng 30m và dùng mũi tên ngắn.
- Cung trung bình: khi thời kì đồ đá kết thúc, vũ khí ngày càng được cải tiến. Cải tiến đầu tiên đối với các cây cung là kéo dài cung ra (cả cánh cung và dây cung)giúp cho cung kéo được nhiều hơn, lực bắn mạnh hơn và đi xa hơn.
- Cung phức hợp (Composite bows):Được phát minh ra bởi người Ai Cập là loại cung được chế tạo từ nhiều loại vật liệu chứ không đơn thuần dùng một thanh gỗ nữa.
- Cung dài (còn gọi là cung lớn, cung chiến hay trường cung): xuất hiện vào thời Trung cổ, có thể đưa tầm bắn của mũi tên mang đầu bọc thép đạt tới 90m (với tầm bắn thẳng). Cung Anh bắn cầu vồng đạt trên 200 yard (183m) và thậm chí lên tới 400 yard (366m) với mũi tên nhẹ.
Loại cung | Tầm bắn hiệu quả | Tầm bắn cực đại |
---|---|---|
Cung Hán | 40 m | hơn 100 m |
Cung Byzantine, cung Huns | 70 m | 135 m |
Cung Đường-Tống | 90 m | khoảng 300 m |
Cung thời Trần | 105 m | |
Cung Ba Tư | 100 m | 200 m |
Cung Hàn | 150–160 m | 350 m |
Cung Scythian | 145 m | 350 m |
Cung thời Trịnh | 160 m | |
Cung Viking | 200 m | 400 m |
Cung La Mã | 200 m | 450 m |
Cung Mông Cổ | 230 m | 500 m |
Cung Anh | 263 m | 400 m |
Cung Thổ | 400 m | 800 m |
Các bước làm một cây cung truyền thống
Để chế tạo nhanh một cây cung truyền thống đơn giản và hiệu quả nhất thì cần các bước sau:
- Lựa chọn vật liệu làm thân cung
- Kiểm tra độ đàn hồi và độ dài thân cung
- Làm thân cung
- Làm dây cung
- Làm mũi tên
- Tập bắn thử nghiệm
Lựa chọn vật liệu để làm cung
Nếu bạn còn nhớ đọc hoặc xem đâu đó cách hướng dẫn chế tạo một cây cung tinh xảo và đúng chuẩn nhất thì hãy quên ngay đi nhé. Hãy nhớ bạn đang bị lạc và cần chế tạo nhanh chóng một cây cung có mức sát thương để giúp bạn sinh tồn. Bạn không có nhiều thời gian để chau chuốt chế tạo một cây cung đảm bảo lực bắn xa, độ chính xác hay độ bền lên đến hàng chục năm, hoặc một cây cung giúp bạn chiến thắng trong các cuộc thi đấu.
Hãy chỉ cần nhớ các điểm trong yêu sau để chọn vật liệu làm cung:
- Các cây họ tre, vông hoặc mây rừng là tuyệt vời để làm cung.
- Cây gỗ cứng và đàn hồi cao.
- Cây gỗ có đường kính vừa tầm nắm tay là tốt nhất (3-5cm)
- Cây thằng ít mắt (nhánh cây) hoặc hơi cong tự nhiên là tốt nhất (Các mắt cây là điểm yếu và có thể gãy khi uốn cong)
- Nên chọn cây đã khô, nhưng không mục nát (cành cây tươi thường mềm, dễ gãy và kém đàn hồi)
- Chọn thân cây thẳng hoặc hơi cong tự nhiên (hình cánh cung) sẽ là tốt nhất
- Nếu không có gỗ đủ khô, có thể dùng tạm cây tươi, nhưng phơi khô hoặc hong lửa cho mất hết hơi nước bên trong đi.
Kiểm tra độ đàn hồi của cung
Độ đàn hồi của thân cung quyết định lực bắn và độ bền của cung. Bạn sẽ không muốn một cây cung mới chỉ bắn vài phát đã gãy hoặc tầm bắn và lực bắn quá yếu không gây ra đủ sát thương cần thiết.
Các ghi chú để chọn vật liệu làm cung như ở trên là khá quan trọng vì nó quyết định độ đàn hồi và độ bền của cung. Hãy thử uốn cong cây gỗ vài lần để thử độ cong và tìm hướng cong thuận nhất (hãy đánh dấu lại), nếu bạn thấy mình cần kha kha sức để uốn nó và sau đó cây bật về vị trí cũ thì là đạt.
Chiều dài thân cung tùy theo chiều cao của bạn và độ đàn hồi của cây gỗ: Chiều dài lý tưởng khoảng 1m đến 1.5m. Cung dài có độ bật đàn hồi cao, bắn xa (chỉ thích hợp cho quân lính) nhưng sẽ cồng kềnh bất tiện khi di chuyển trong rừng. Cung quá ngắn không đủ độ đàn hồi và lực bắn cần thiết.
Làm thân cung
Do thân cung có 2 cánh bằng nhau và cũng cần có lực đàn hồi bằng nhau. Trừ thân mây, tre, vông có đặc điểm gần như thẳng và bằng nhau bạn sẽ không phải chỉnh sửa nhiều thì các loại cung làm bằng gỗ đều đòi hỏi công đoạn gọt đẽo để cân đối và tối ưu lực đàn hồi của hai cánh cung này.
Chú ý: Nếu lực kéo của hai cánh cung không bằng nhau, các mũi tên sẽ không bay thẳng.
- Xác định đường cong tự nhiên: Mỗi đoạn gỗ đều có một đường cong tự nhiên, cung uốn thuận theo đường cong tự nhiên này sẽ có độ đàn hồi và độ bền tốt nhất. Để tìm đường cong này, bạn đặt đoạn gỗ của bạn thẳng đứng trên mặt đất. Một tay giữ lỏng đỉnh thanh gỗ và tay kia nhấn nhẹ vào giữa đoạn gỗ. Nó sẽ xoay phần bụng tự nhiên của nó theo hướng cong tự nhiên nhất, đánh dấu phần bụng đó.
- Xác định tay cầm và cánh cung: Tay cầm và cánh cung là những bộ phận cần thiết trong quá trình định hình một cây cung. Để xác định chỗ tay cầm, tính từ trung tâm của thanh gỗ ra mỗi bên khoảng 6cm, hãy đánh dấu. Từ tay cầm kéo dài ra đến hai đầu của cung gọi là cánh cung.
- Cung bằng gỗ: Làm cung bằng các loại gỗ cứng và chắc, bạn có thể dùng dao để đẽo. Chỗ tay cầm ở giữa bạn chừa ra khoảng 12-15cm thì để dày và chuốt tròn sao cho nắm vừa và chắc tay nhất. Từ tay cầm gọt dần ra, càng xa tay cầm càng mỏng dần. Kiểm tra hai bên cánh cung thường xuyên để điều chỉnh độ dày cho đồng nhau. Thân của cánh cung nếu cắt ngang thì có hình bán nguyệt.
- Cung bằng tre: Trong trường hợp làm cung bằng các thanh tre quá mỏng hoặc không tìm được các loại cây thân gỗ to phù hợp thì có thể tham khảo cách ghép phức hợp nhiều lớp tre hoặc gỗ lại với nhau để tăng lực đàn hồi như sau.
- Thuần cung: Cung gỗ cứng ban đầu hoặc thân tre thường rất thẳng, để uốn cong thì bạn cần định hình lại cung gọi là giai đoạn thuần cung. Bằng cách uốn cong thân cung và cố định bằng các cọc gỗ đóng xuống đất, phơi khô trong vài ngày hoặc hong lửa nhẹ để tăng tốc độ thuần cung (chú ý đừng để cung bị cháy hoặc đổi màu do lửa).
Chế tạo cung tên truyền thống
Dây cung đã được chế tạo bằng nhiều chất liệu trong suốt lịch sử, bao gồm các loại sợi như lanh, lụa và sợi gai dầu. Các vật liệu khác được sử dụng là ruột động vật, gân động vật và da bò. Các loại sợi hiện đại như Dacron, Kevlar thâm chí dây thép ngày nay được sử dụng trong chế tạo dây cung thương mại, cung phức hợp. Cung ghép có một hệ thống cơ học gồm các cam ròng rọc mà trên đó dây cung được quấn. Dây Nylon chỉ hữu ích trong các tình huống khẩn cấp, vì nó sẽ bị giãn kéo căng quá mức.
Trường hợp bạn không có gì trong tay thì buộc phải bện dây thừng từ các loại sợi vỏ cây, gân, da thú hoặc kết hợp các loại để tăng cường độ bền. Nhưng các dây loại này thường sẽ kém bền và bạn phải chấp nhận việc nó thường xuyên bị đứt và luôn có sẵn dây để thay thế.
Khi cột dây cung cần đảm bảo sợi dây luôn căng. Thông thường dây sẽ được làm ngắn hơn chiều dài cần thiết 10-20cm và do đó buộc phải uốn cong thân cung để sỏ dây.
Làm mũi tên
Một mũi tên thẳng bay thẳng và trúng đích là điểm quan trọng nhất của việc chế tạo thành công một cây cung nguyên thủy. Bất kỳ cây cung nào cũng có thể được tạo kiểu nhanh chóng, nhưng bạn phải có những mũi tên thẳng bay đến mục tiêu của chúng.
Đầu mũi tên: Mũi tên cần tăng cường khả năng xuyên thấu bằng các đầu mũi tên (đầu mũi tên) từ đá, kim loại hoặc xương được mài nhọn. Việc đầu mũi tên nặng hơn phần còn lại cũng giúp tăng lực sát thương và giữ ổn định mũi tên khi bay.
Thân tên: Thân tên thường làm bằng gỗ cứng, vót thẳng để tăng tính ổn định khi bay. Người ta thường hơ lửa để uốn thẳng và làm cứng thân tên (nếu có thời gian).
Đuôi tên: Phần đuôi mũi tên bao gồm khấc thường được gắn cánh ổn định làm bằng lông vũ, mãnh nhựa hoặc thâm chí băng keo hay lá cây để giúp mũi tên bay thẳng.
Các mũi tên đơn giản nhất của thổ dân da đỏ Mỹ còn không có đầu hay cánh ổn định. Nó chỉ đơn giản là một thân cây thẳng được mài nhọn một đầu. Thực tế trong nhiều trường hợp bạn chỉ cần một cái cung tên đơn giản và một mũi tên như vậy là đủ (Ví dụ săn cá dưới suối).
Tạm kết
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về cách chế tạo cung tên. Bạn sẽ phát hiện ra rằng không khó để tạo ra chúng bằng cách nguyên thủy với các vật liệu sẳn có trong vùng hoang dã. Sau một hồi làm việc, bạn sẽ nhận ra tại sao cung là vũ khí duy nhất được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Hy vọng bài viết này se giúp ích cho bạn, chúc các bạn thành công!